An ear

7 cách để nâng tầm listening

⏳Thời gian đọc: 7 phút

Mình từng chán ghét tiếng Anh lúc cấp 2, 3 cho đến khi nhận ra, những chân trời mới mà tiếng Anh mở ra cho mình. Từ khả năng đọc sách báo tiếng Anh nhanh, mở rộng kiến thức bản thân cả về Y khoa và khía cạnh khác trong cuộc sống, đến những điều đơn giản như xem phim không Vietsub giúp mình chú ý hơn vào diễn xuất, nghệ thuật quay phim. Nói chung, ai cũng hiểu tầm quan trọng của ngoại ngữ, đặc biệt trong thế giới hiện đại khi tiếng Anh trở thành kĩ năng dĩ nhiên mọi người phải có. Dong dài đủ rồi, sau đây là 7 cách mình đã dùng để đạt 9.0 IELTS listening.

Trước tiên, hãy tin tưởng bản thân

Nếu bạn chưa rõ mức nền tiếng Anh bản thân, bạn hãy lên bất kì 1 trang web thi thử tiếng Anh nào đó và tự kiểm tra kĩ năng để xem mình đang ở đâu. Nếu bạn đã biết mức nền, mình xin giải thích 1 nguyên tắc của tất cả cuộc thi chứng chỉ tiếng Anh là đánh giá KHẢ NĂNG SỬ DỤNG tiếng Anh. Vì vậy, bất kì bài viết, video bạn từng nghe về tips đạt điểm cao, tips nắm trùm kì thi chỉ có hiệu quả khi khả năng của bạn ĐỦ TỐT.

Mình không khuyên các bạn ngay lập tức nhảy vào làm đề, luyện đề (trừ khi cần thi gấp). Đầu tiên, hãy cải thiện khả năng sử dụng tiếng Anh trước, cụ thể trong bài này là listening, vì nền tảng tốt giúp bạn đứng vững trước mọi kì thi.

Nếu bạn nghĩ mình thật tệ tiếng Anh vì thời đi học chả bao giờ được điểm cao thì kì thi, kiến thức chương trình của Bộ Giáo dục và cách dạy tại THCS, THPT không thật sự giúp cải thiện và đánh giá tốt kĩ năng tiếng Anh của bạn. Bạn có thể làm được, tin mình đi, từng ngu English như mình còn làm được mà.

Fun fact: chỉ việc tin bản thân có thể làm được đã giúp bạn tiến 1 bước tới thành công.

1. Thích gì làm đó

Thật, làm điều bạn thích giúp bạn tăng cơ hội duy trì việc học từ ngày này qua tháng nọ. Cách mình thích nhất khi học listening là bật Youtube, nghe bất kì clip về chủ đề mình thích.
Mình từng nghe về:
  • Lịch sử (Oversimplified, Extra history)
  • Nấu ăn (Babish Culinary Universe dù mình chẳng biết nấu ăn nhưng nhìn ông này nấu đồ ăn trong anime rất bánh cuốn)
  • Nhiếp ảnh và quay phim (Peter McKinnon, That Icelandic Guy, Pierre T. Lambert, Sean Tucker)
  • Công nghệ (Dave2D, Marques Brownlee)
  • Hiệu suất làm việc (Ali Abdaal)
  • Gaming (pokimane, theRadBrad, Keralis)
Funfact: kênh Ali Abdaal là nơi khó nhằn nhất vì ông này nói siêu nhanh. Nhưng vì nội dung quá bánh cuốn nên mình đã quyết tâm kiên nhẫn nghe và hậu quả là giờ nghe x1.5 mình vẫn có thể hiểu nội dung của ổng.

Trên đây là một vài ví dụ về những video mình đã và đang thích xem, cũng chính đây là cách mình cải thiện listening. Nếu bạn không quen nghe tiếng Anh thì sẽ cảm thấy họ nói rất nhanh và khó theo kịp. Thật ra, đây là tốc độ nói bình thường của người bản xứ. Làm quen tốc độ nói của người bản xứ giúp học để sử dụng tiếng Anh thực chiến, nghe được nhiều hơn khi đi thi (nghe nhanh quen rồi thì tốc độ nói phần IELTS listening khá từ tốn).

2. Microlistening

Chọn được nội dung bạn thích xem rồi nhưng sao người ta nói nhanh quá, cứu tui cứu tui. Nếu lần đầu thì sẽ hơi choáng ngợp, nhưng sau 4-5 lần bạn sẽ quen dần; và ĐỪNG BẬT PHỤ ĐỀ. Chọn 1 video tầm 4-6 phút, vừa đủ ngắn vừa không quá dài để bạn tập trung nghe mà không thấy mệt mỏi.
Hãy cố gắng nghe từng từ trong 1 câu, nghe từng câu 1. Nếu đụng từ hoặc câu không hiểu, dừng video lại, nghe đi nghe lại đến khi nào bạn nghe được từ hoặc cụm từ đó. Ghi chú lại trong sổ từ vựng hoặc flashcard. Lặp lại cho đến hết đoạn video. Lỡ như nghe chục lần rồi mà bạn vẫn không nghe ra từ khó nhằn đó thì có thể châm chước bật phụ đề.

Cuối cùng, nghe lại 1 lượt nữa từ đầu. Những lần đầu, bạn có thể cần đến 15-20 phút để nghe 1 video 5 phút là bình thường. Hãy kiên nhẫn và bạn sẽ thấy bản thân cải thiện ngày qua ngày.

1 lợi ích nữa của việc nghe và ghi lại cụm từ khó hiểu giúp bạn học từ theo cụm (collocation), quen với cách người bản xứ dùng tiếng Anh, đồng thời làm giàu vốn collocation cho các kĩ năng khác.

3. Hiểu nội dung câu chuyện

Kĩ năng nghe khi thi IELTS không phải chỉ chăm chăm nghe từng chữ vì người bản xứ nói nhanh, nhấn mạnh những từ chính và lướt qua những từ phụ ít quan trọng hơn. Nghe chính xác từng từ có thể tăng điểm IELTS listening task 1 nhưng sang task 3 và 4 sẽ cần bạn nghe và hiểu câu chuyện đang đề cập.

Bạn có thể quay lại video ở trên, nghe nhưng lần này không tạm dừng giữa đường nữa. Trong lúc nghe, cố gắng hiểu xem nội dung đang truyền đạt. Toàn bộ quá trình này chỉ nên diễn ra trong đầu. Mình không khuyên vừa nghe vừa ghi chú nhưng nếu bạn gặp khó khăn thì có thể ghi nhanh lại 1 vài ý của người nói. Tuy nhiên, về lâu dài mình khuyên bạn tập hiểu ý tưởng người nói trong đầu vì bạn gần như không có thời gian ghi chú khi làm đến task 3 và 4.

Sau khi nghe xong, bạn hãy tóm lại video trong 2-3 câu ngắn gọn để đảm bảo mình hiểu nội dung. Nếu bạn muốn nâng trình độ hơn nữa, bật chế độ x1.5 và x2 nghe lại video đó và cố gắng nghe được nội dung nhiều nhất có thể.

4. Kiên trì, kiên trì, kiên trì

Không ai sinh ra mà đã thành tiến sĩ cả. Mọi kĩ năng trên đời này muốn thành thục đều phải luyện tập thường xuyên, trừ khi bạn được sinh và lớn lên tại quốc gia có ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Anh.
Nếu cuộc sống của bạn quá bận rộn khiến cột sống bạn không ổn thì hãy ít nhất dành ra 90 PHÚT MỖI TUẦN để học. Bạn có thể chia nhỏ thành 15 phút mỗi ngày cho 6 ngày trong tuần, ngày còn lại đi chơi. 15 phút là khoảng thời gian nhỏ xíu mà mình nghĩ ai cũng có thể dành ra mỗi ngày để học listening.

Nhưng khi bạn đã vào guồng, vào flow, vào zone rồi thì khá chắc bạn sẽ dành nhiều hơn 15 phút để học trong vô thức đấy. Với việc học những gì bạn thích, việc học sẽ không trông giống như học mà như đang vui chơi, dần dần tạo thành phản xạ và “muscle memory” trong đầu bạn.

5. Đặt mục tiêu trung hạn

Tạo ra mục tiêu trung hạn cho bản thân là 1 động lực to lớn thúc đẩy bạn học mỗi ngày. Ví dụ: như đi du lịch, xem 1 bộ phim không phụ đề, tham gia khóa học online, thi chứng chỉ hay đơn giản chỉ là flex với bồ. Fact: mình đã đặt mục tiêu luyện listening thật tốt chỉ để học nhiếp ảnh qua Youtube vì nó free và mình không muốn tốn tiền đi học mấy khóa nhiếp ảnh.
Với mục tiêu, bạn ít nhất sẽ có 1 điểm đến nếu bản thân cảm thấy vô định. 1 ngưỡng để bạn biết khi bạn đạt đến đó, bạn đã trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân. Quá trình này có thể nhanh hay dài tùy người nhưng quan trọng là mục tiêu duy trì động cơ học tiếng Anh của bạn.
Tại sao trung hạn mà không phải dài hạn? Đặt mục tiêu khoảng 2-6 tháng tạo ra 1 khoảng thời gian cụ thể, bạn sẽ dễ tuân theo kế hoạch bản thân hơn mục tiêu dài hạn (1-2 năm, nghe chưa học đã thấy nản). Time-bound là một thành tố của 1 mục tiêu tốt theo SMART.

6. Speaking hiệp đồng listening

Học đồng thời speaking và listening có tác dụng hiệp đồng lên cả 2. Bằng cách nghe từ người bản xứ, bạn học được vốn collocation, cách nói, cách nhấn nhá, tông giọng cho kĩ năng speaking.
Ngược lại, bằng cách học speaking, đặc biệt luyện phát âm chuẩn xác, bạn sẽ biết cách phát âm đúng 1 từ. Khi nghe phát âm của từ vựng đó từ người khác, bạn sẽ dễ dàng nhận diện từ và hiểu nghĩa hơn. Thậm chí, bạn còn có thể chỉ ra họ phát âm đúng hay sai.

Bạn không thể nghe tốt nếu phát âm sai tè le. 

(Nguồn: ở đâu tui quên rồi)

Học tiếng Anh là học văn hóa của tiếng Anh, không có một kĩ năng nào hoàn toàn tách biệt khỏi các kĩ năng còn lại. Học đồng thời cả 4 kĩ năng—reading, listening, speaking, writing—giúp bạn toàn diện hơn, tránh tình trạng lệch kĩ năng như mình (speaking của tui khá tệ, 6.0 thôi).

7. Giọng và phương ngữ

Tiếng Anh là ngôn ngữ có đặc tính như nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Việt. Trong tiếng Việt, ta có giọng miền Nam, giọng Huế, giọng xứ Quảng, giọng miền Bắc, v.v. Tương tự, tiếng Anh cũng có nhiều giọng khác nhau, cơ bản nhất là Anh-Anh (British English) và Anh-Mỹ (American English). Ngoài ra, giọng phổ biến khác gồm Anh-Ấn (Indian English), Anh-Úc (Australian English), Anh-Phi (African English). Khó nghe hơn ta có tiếng Anh của người Pháp, người Ý hay Đức
Tại mỗi quốc gia, chúng ta có giọng và phương ngữ khác nhau. Người Mỹ ở phía Bắc (Wisconsin) có cách nói hơn khác hơn người phía Tây (Boston) và người phía Nam (New Orleans). Người Anh phía Đông (Norfolk) nói sẽ khác người London, khác người phía Tây (Cornwall), khác người phía Bắc (Yorkshire). Và nếu muốn thử thách thực sự, bạn hãy thử nghe người ở Glasgow nói tại đây.

Nghe từ nhiều nguồn khác nhau cho bạn tiếp xúc nhiều giọng và phương ngữ. Tiếng Anh cũng giống tiếng Việt, có người nói dễ nghe, có người nói nghe chả được gì. Thật sự, tiếng Anh thực dụng có thể không nói chậm và dễ nghe như tiếng Anh chuẩn lúc thi. Ví dụ thực tiễn là đôi khi bạn ngồi máy bay và chả hiểu nổi ông cơ trưởng người Ấn đang nói cái gì.

Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng

Cách 4, 5 ,6 có vẻ nghe sáo rỗng, giáo điều. Nhưng thật sự cuộc sống không như là mơ, có luyện mới có cải thiện, không luyện thì chỉ có dậm chân tại chỗ. Tuy nhiên học là quá trình, bạn không thể thức dậy vào sáng mai và bắt đầu xổ tiếng Anh như người bản địa. Nếu bạn thấy khó khăn thì hãy dành thời gian thư giãn nghỉ ngơi 1 chút. Điều quan trọng là bản thân duy trì tinh thần học mãi, bạn sẽ cảm nhận sự khác biệt mà bản thân không ngờ đến.
Nếu xuất phát điểm thấp, bạn sẽ cần nhiều thời gian và công sức hơn. Lúc này, bạn sẽ rất dễ nản vì cảm thấy nghe không được nhiều và không hiểu.
Nếu xuất phát điểm của bạn cao, bạn có thể chỉ cần đâu đó 1-2 tháng. Khi bạn đã cải thiện khả năng nghe tiếng Anh, lúc đó chuyện áp dụng mẹo vặt đi thi mới thực sự hữu ích. Và đó cũng không phải mục tiêu của bài viết này.
Hết rồi, chúc các bạn học vui vẻ. Peace!

1 thought on “7 cách để nâng tầm listening”

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *